Tôi tự hỏi là những sự kiện trên có phải là do ngẫu nhiên hay do một bàn tay vô hình nào đó đang sắp đặt lại trật tự thế giới? Khi càng ngày càng có nhiều các thuyết âm mưu về nguyên nhân của con NCoronaVirus là do con người tạo ra thì cũng có nhiều luồng thông tin khác lại nói về việc tạo hóa đã gửi nó tới để bắt con người phải dừng lại những hoạt động phá hoại thiên nhiên của chính mình. Dù gì đi chăng nữa, có một điều cần phải học là nó đã cho chúng ta biết điều gì, học bài học gì và cần phải thay đổi ra sao trong tương lai? Có lẽ nên phân tích lại toàn bộ quá trình phát triển của loài người, nhất là từ sau cách mạng công nghiệp trở về đây để thấy rõ những thông điệp mà đại dịch Covid-19 đã gửi tới cho chúng ta.
Nhu cầu về ăn, mặc, tiêu dùng, di chuyển của con người đã thay đổi rất lớn từ sau cuộc cách mạng công nghiệp trong thế kỷ 18. Từ khi có máy móc, động cơ và điện khí hóa, con người đã có phương tiện để sản xuất hàng loạt sản phẩm mới, những vật dụng gia đình, đồ điện tử, phương tiện giao thông như xe hơi, máy bay, các máy móc dùng trong nhà máy và trong nhiều ngành khai thác khoáng sản và tài nguyên nói chung.
Thương mại quốc tế cũng có vai trò rất quan trọng dẫn tới việc nhiều sản phẩm được trao đổi rộng rãi giữa các vùng miền, các quốc gia và toàn cầu. Người ta có thể hưởng thụ, thường thức các loại sản vật từ nhiều vùng miền xa xôi trên thế giới. Trước đây ít ai ở Việt Nam có thể ăn tôm hùm, thịt bò Mỹ, cua Alaska, cá hồi Canada, v.v. cũng như dân Canada không có nhiều lựa chọn các loại trái cây nhiệt đới từ các nước Đông Nam Á và các loại đồ biển từ các nước như Việt Nam, Thái Lan, Nhật, Đài Loan, v.v.
Con người có thể di chuyển xa và nhiều hơn trước đây. Những chuyến đi công tác và du lịch trong khu vực, tới các vùng xa xôi và các hãng du lịch lữ hành quốc tế cho phép con người đi du lịch dễ dàng và với số lượng đông đúc hơn, như những đàn chim di cư hàng năm tới hàng triệu, chục triệu người mỗi năm vào Việt Nam, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, v.v.
Không thể bỏ qua tác động tích cực của những quá trình trên trong việc nâng cao đời sống của con người, giúp nhân dân của nhiều nước nghèo có cơ hội nâng cao thu nhập và cải thiện các điều kiện sống.
Tuy nhiên, xã hội loài người đang chạy theo lối sống trọng vật chất (materialistic lifestyle) và cùng với các nhu cầu ngày càng tăng gấp là việc tăng cường khai thác tài nguyên ồ ạt dẫn tới sự tàn phá thiên nhiên, khai thác năng lượng, dầu khí, đánh bắt cá tôm dẫn tới cạn kiệt và hủy hoại môi trường, phá hủy các khu rừng nguyên sinh và các rặng san hô, gây ra rất nhiều hậu quả khác mà các nhà khoa học hay nhắc tới.
Luồng hàng hóa, con người di chuyển, các luồng giao thông và thông tin đã tạo nên một quá trình Toàn cầu hoá, đã thúc đẩy việc giao thương, tạo ra các chuỗi cung ứng và làm tăng nhanh quá trình trên một cách mạnh mẽ nhưng đồng thời đã gây ra quá nhiều tác hại tới môi trường trong những thế kỷ 19-20-21.
Nhiều nghiên cứu, báo cáo khoa học đã chỉ ra rằng Trái Đất của chúng ta đã tới ngưỡng của sự chịu đựng. Ngày càng nhiều các thảm họa thiên nhiên, bão tố, động đất và nhất là sự thay đổi khí hậu toàn cầu, Trái Đất nóng lên khiến cho băng trên các cực tan dần, lũ lụt tại nhiều vùng nhưng lại hạn hán tại các nơi khác như đồng bằng sông Hồng, sông Mekong, v.v. Những đảo quốc như Maldives, các đồng bằng duyên hải như miền Tây Nam Bộ có nguy cơ bị ngập trong vòng vài thập kỷ tới…
Các giải pháp đã và đang được áp dụng trước đây đều không giải quyết được các vấn đề trên và sự thất bại của chúng có thể là nguyên nhân mà chính tự nhiên phải có một biện pháp mạnh nhằm cứu vãn tình hình. Như một lò phản ứng hạt nhân, khi người vận hành không có khả năng kiểm soát thì phải có những cơ chế an toàn giúp đóng lò có kiểm soát (emergency shutdown system) tránh gây ra một vụ nổ có thể phá hủy toàn bộ hệ thống, mà với chúng ta chính là Trái Đất, ngôi nhà chung của loài người, thế hệ này và các thế hệ sau.
Giải pháp dùng pháp luật và các thể chế quốc gia và các công ước quốc tế như hiệp định chống biến đổi khí hậu Paris, tới nay Mỹ là nước lớn với nền kinh tế lớn nhất thế giới lại tự rút ra và đồng nghĩa với việc các công ty Mỹ và nền công nghiệp Mỹ có khả năng xả thải và gây ô nhiễm môi trường nhiều hơn mức cho phép nhằm tìm kiếm thêm lợi nhuận. Các nước đang phát triển, đi đầu là Trung Quốc, tới Ấn Độ và một loạt các nước khác thì còn tệ hơn do môi trường luật pháp lỏng lẻo và nhu cầu phát triển kinh tế quá cấp thiết nhằm nuôi dưỡng một dân số bùng nổ trong vài thập niên qua...
Giải pháp dùng các trường phái đạo đức trong xã hội và trường học, trong các khóa học MBA đào tạo các nhà điều hành các cấp tuy rất nhân văn nhưng khi áp dụng trong thực tế phần lớn thất bại do yêu cầu về lợi nhuận ngắn hạn thường chiến thắng những lợi ích lâu dài tuy rất cần thiết nhưng không phải là cái mà các cổ đông đánh giá cao nhất… do đó các CEO dễ dàng nhắm mắt để cho qua như vụ công ty Volkswagen lừa dối công chúng trong việc dùng thiết bị báo sai nồng độ khí thải của động cơ Diesel và bán ra rất nhiều xe không đạt tiêu chuẩn môi trường.
Giải pháp dùng các kinh pháp trong tôn giáo như Phật giáo dạy con người phải sống thanh tịnh, về bản chất làm giảm nhu cầu nhằm làm giảm sự cung cấp và đưa xã hội về điểm cân bằng. Tuy nhiên với tốc độ gia tăng dân số chóng mặt và nhịp sống hiện đại gấp gáp ngày nay thì hầu như không có tác động lớn tới quá trình xuống cấp của môi trường.
Các tổ chức gìn giữ và bảo vệ môi trường phi chính phủ như Greenpeace, các đảng phái chính trị như Đảng Xanh, v.v. tuy có tiếng nói lớn nhất nhưng không thể là đối trọng với các nhóm lợi ích, các tập đoàn kinh tế và đảng phái hùng mạnh đại diện cho các tập đoàn kinh tế chính trị muốn phát triển kinh tế bằng mọi giá…
Các giải pháp từ chính tự nhiên nhằm hạn chế và thay đổi các quá trình trên có lẽ là câu trả lời cho bài toán hóc búa dường như không có lời giải nếu để con người tự giải quyết.
Đại dịch Covid-19 đã tác động tới những quá trình trên như thế nào? Nhu cầu - Chuỗi cung ứng - Nguồn cung (production - logistics - transportation - marketplace) đã bị ngắt quãng như đã trình bày ở đầu bài viết. Dù muốn hay không thì con người cũng đã phải tạm chấp nhận và dừng lại quá trình trên ít nhất là 4 tháng cho tới nay và có thể sẽ thêm một vài tháng nữa. Theo nhiều báo cáo thì môi trường thiên nhiên đã được cải thiện, các dòng sông ở Venice trong xanh, cá bơi lội trở lại, vùng Florida, vịnh Vancouver cá heo và cá voi quay lại và tin vui là cặp gấu trúc ở sở thú Hongkong gần đây đã ân ái nhau sau 10 năm không làm chuyện ấy vì có quá nhiều du khách làm phiền 😜
Với vũ trụ có lịch sử nhiều tỷ năm, Trái Đất của chúng ta cũng chỉ là một hành tinh trong nhiều triệu hành tinh trong giải thiên hà và loài người mới có lịch sử vài triệu năm thì có lẽ chúng ta chỉ là những hạt cát rất nhỏ bé mà thôi…
PDH
Surrey 4/2020